top of page

CHỚ SUY TƯ, HÃY HÀNH THIỀN!

Đã cập nhật: 13 thg 12, 2022

Pháp thoại ngài Ottamathara với tình nguyện viên quốc tế về Covid19 tại Trung tâm Thabarwa Thanlyin, Yangon ngày 03/04/2020


Thiền sư Ottamathara

CHỚ SUY TƯ, HÃY HÀNH THIỀN!

03/04/2020 - Trung tâm Thabarwa Thanlyin, Yangon

Pháp thoại với tình nguyện viên quốc tế về Covid-19

Sayalay Khema Cari ghi - Trọng Quyết dịch

Bạn có thể có được kiến thức thông qua việc đọc nhưng đó không phải là thiền. Bạn có thể tìm được ý tưởng bằng cách tư duy nhưng đó không phải là thiền.

Đọc nhiều, chúng ta có thể biết nhiều. Tư duy nhiều, chúng ta sẽ trở thành nhà tư duy xuất sắc. Nhưng bạn không thể trở thành một thiền sinh theo cách đó.

Thiền là giữ chánh niệm ở giây phút hiện tại, xả ly khỏi thời gian, nơi chốn và mọi điều kiện trong hiện tại.


Ngài Ottamathara

Thông qua việc hành thiền (tu tuệ), chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn là đọc sách (văn tuệ). Sự thực hành thiền cũng đem lại những ý tưởng tốt hơn so với tư duy (tư tuệ).

Thiền giúp chúng ta hiểu được sự thật. Thiền có liên hệ với mọi thứ; chúng ta có thể giữ chánh niệm trong lúc tư duy hay trong khi đọc. Thực hành thiền là trọn vẹn do đó càng chánh niệm, chúng ta càng trọn vẹn. Thực hành thiền có thể giúp chúng ta có những quyết định tốt hơn là thông qua tư duy. Việc thực hành thiền có thể đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Để được an toàn, ta cần chú tâm vào việc giữ chánh niệm. Không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác và Sự thật. Bằng việc thực hành thiền, chúng ta có thể xả ly khỏi việc đọc và tư duy. Đọc và tư duy không trọn vẹn. Hành thiền thì trọn vẹn, khi thực hành thiền chúng ta không cần làm những việc khác.

🍀 Tôi đưa ra quyết định một cách tự nhiên, phần lớn là không cần phải tư duy. Những việc mới thì cần thêm thời gian, nên tôi không thể quyết định ngay. Nhưng càng trải nghiệm những điều mới đó tôi càng có thể đưa ra quyết định một cách tự nhiên mà không cần phải suy tư một cách có chủ ý. Trước khi hành thiền tôi từng suy nghĩ rất nhiều trong suốt thời gian 7 năm làm kinh doanh. Khi đã bắt đầu hành thiền, tôi học cách dừng làm thứ gì đó một cách có chủ đích; mà thay vào đó là làm một cách thư thái, tự nhiên và ngay trong thời khắc hiện tại. Chúng ta không cần phải dựa vào chính mình mà chỉ cần dựa vào việc làm thiện pháp ở thời điểm hiện tại. Càng làm thiện pháp, ta càng có khả năng có được cái mình muốn. Đây không phải là khoa học, toán học, hay vật lý học, hay là tiên tri; chỉ cần thực hành thiện pháp và điều này sẽ cho phép chúng ta có cái mình muốn.

Khi kinh doanh, việc phải liên tục đưa ra những quyết định làm tôi mệt mỏi. Nhưng khi bắt đầu hành thiền, tôi tập dừng suy nghĩ và cố gắng vừa làm thiện pháp vừa làm kinh doanh. Việc làm kinh doanh không theo truyền thống này thật là khó trong những ngày đầu. Nhưng tôi yêu việc làm thiện pháp nên không thể nào dừng lại. Biết rằng iệc kinh doanh thông thường sẽ mang lại nhiều hệ quả thứ phát; và khi đã hành thiền, tôi không quan trọng chuyện kinh tế nữa nhưng vẫn chưa thể dừng lại.

Nhờ việc làm thiện pháp liên tục tôi đã có thể ngừng một cách tự nhiên, thiện pháp đã hướng dẫn tôi cách thức và thời điểm để ngừng. Là một hành giả, tôi không phải suy nghĩ khi nào nên xuất gia, tôi tiếp tục làm việc thiện và sự thực hành đưa tôi đến quyết định xuất gia mười tháng sau đó. Việc đọc không trọn vẹn, tư duy cũng vậy; thực hành chánh niệm và xả ly là những điều tốt nhất chúng ta có thể làm.

🍀 Trong mỗi quyết định, tôi không thực hiện với tư cách một lãnh đạo mà là một hành giả. Tôi không nóng vội, chỉ làm thiện pháp liên tục và mỗi khi không thể quyết định, tôi sẽ không làm gì cả. Nếu không chắc về việc gì đó tôi sẽ không làm. Tôi đưa ra nhiều quyết định khác với người thế gian. Những quyết định mà nếu không là một thiền sinh thực sự, bạn sẽ không thể hiểu được. Điều này từng xảy ra trong sự thực hành của chúng tôi trước đây. Tôi không thể giải thích cho mọi người bởi vì tôi không tư duy, tôi chỉ để “sự thực hành thiện pháp” đưa ra quyết định. Nếu không quyết được tôi sẽ không đưa ra quyết định nào và giao quyền cho người khác; khi thời điểm đến thì tôi mới can thiệp vào. Như vậy tôi có thể học từ người khác. Đó là làm việc cùng nhau.

Tôi dựa vào thiện pháp, không phải tư duy hay não bộ. Không chối bỏ nhưng tôi không dựa vào sách vở, vào văn tuệ; tôi dựa vào việc làm thiện pháp một cách đúng đắn, vào Con đường Trung đạo của việc chỉ-làm-mà-thôi. Tôi không suy nghĩ mà chỉ đưa ra quyết định bắt nguồn từ việc làm thiện pháp. Quan kiến và hành vi khác biệt đưa đến kết quả khác biệt. Bên cạnh đó tôi kiên nhẫn, nếu không đủ thông tin tôi sẽ không đưa ra quyết định. Tôi luôn cố gắng đưa ra quyết định đúng thời, không sớm, không muộn.

🍀 Chúng ta đang trải qua một trong những tình huống nguy hiểm nhất, hãy cẩn thận để không gây ra sai lầm. Dù đưa ra quyết định như một thiền sinh nhưng tôi cũng không chối bỏ thực trạng vi-rút đang hoành hành trên khắp thế giới. Những hành vi như lí luận, cầu nguyện hay những hành động tư duy có nhiều giới hạn. Hành thiền thì trọn vẹn, không giới hạn."


 

🤔 Bạch Sayadaw, Ngài có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm thiền tập của bản thân Ngài được không?

"☂️ Tôi thiền trong tư thế ngồi, trong các hoạt động hàng ngày, ở trung tâm thiền, trong các khóa thiền và ở nhà, ở nơi làm việc, trong lúc lái xe, lúc ăn, lúc nói. Thiền ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hành động. Tôi thiền với mọi sự việc và với bất kì ai. Thiền là chánh niệm và xả ly. Phần lớn mọi người hành thiền với sự dính mắc. Họ không muốn xả ly, họ muốn gắn bó với một vị thầy, một phương pháp, một nơi chốn, một kinh nghiệm. Điều đó là không trọn vẹn. Bởi vì sự dính mắc mạnh mẽ này, phần lớn mọi người không chấp nhận sự xả ly. Chúng ta cần có ái đó để dựa vào, điều gì đó để làm. Nơi nào đó để ở. Phần lớn mọi người không thể chấp nhận xả ly khỏi thứ gì đó, ai đó, khỏi những giới hạn về thời gian và không gian. Hiện nay nhiều người đang hành thiền nhưng họ thiền với sự dính mắc, sự giới hạn. Họ cần phải xả ly. Nếu bạn quen với việc thiền tọa bạn sẽ không thiền trong những hoạt động hàng ngày và ngược lại. Điều này thường xảy ra bởi vì sự dính mắc. Nếu bạn không thể xả ly, bạn không thể phát triển được.

Đấy là sự thật. Bất kể điều gì chúng ta làm, chúng ta nên chỉ-làm-mà-thôi, chỉ-không-làm-mà-thôi, chỉ-trải-nghiệm-mà-thôi, không-chỉ-trải-nghiệm-mà-thôi, chỉ-hay-biết-mà-thôi, chỉ-không-hay-biết-mà-thôi, chỉ-sử-dụng-mà-thôi, và chỉ-không-sử-dụng-mà-thôi. Đó là Con đường Trung đạo, không thực hành bạn sẽ không hiểu được. Bạn phải kiên nhẫn. Nếu vội vàng, bạn không thể hiểu được Con đường Trung đạo. Tôi chánh niệm khi tư duy, đó là lý do tại sao phần lớn thời gian tôi không cần phải tư duy. Tôi có được ý tưởng tốt không phải bằng tư duy mà bằng thực hành thiện pháp một cách liên tục. Công việc của tôi là thực hành và giảng dạy việc thực thực hành thiện pháp toàn thời gian và không giới hạn. Cứ tiếp tục thực hành ở trung tâm Thabarwa, bạn sẽ hiểu phương pháp này. Những trung tâm khác họ không dạy bạn như vậy và bạn sẽ không thể hiểu được về việc chỉ-làm-mà-thôi, chỉ-không-làm-mà-thôi. 🍀

Tâm là quan trọng nhất. Tập trung vào một đối tượng bên ngoài thì rất khó, tập trung quan sát bên trong thì tốt hơn. Đây là cách tốt nhất chúng ta có thể làm. Chúng ta có thể làm nhiều thứ nhưng hãy cố gắng làm với tâm quân bình và trong sạch. Bất kể điều gì chúng ta làm, đừng để mất đi phẩm chất tâm ấy. Là một thiền sinh, chúng ta có được sức mạnh từ trạng thái tâm này một cách giới hạn. Càng hành thiền thì sự vững vàng, sự bình an của tâm càng tăng. Thời gian đầu sẽ rất khó để giữ vững trạng thái tâm này, nên các bạn cần hạn chế việc làm-gì-đó và tập trung thiền tọa hoặc tham gia các khóa thiền. Tâm là đối tượng quan trọng nhất của chánh niệm. Xả ly có được nhờ chánh niệm. Càng chánh niệm, chúng ta càng có khả năng xả ly. Theo cách này, chúng ta sẽ có thể buông bỏ những ý niệm về ai đó, cái gì đó và chỉ còn lại trạng thái tâm quân bình và trong sạch. 🍀

Điều này chỉ là để bảo vệ tâm; phần lớn mọi người đang bảo vệ cuộc sống của họ để tránh vi-rút. Chúng ta cũng cần tự cách ly, không đi đâu cả và cần thiết nhất là thanh lọc tâm. Điều này là gieo nhân không chối bỏ để không phải gặt quả chối bỏ. Khi làm vậy, chúng ta cần tập trung không để mất sự quân bình và trong sạch của tâm. Giữ cho tâm vững vàng và thanh tịnh. Tâm vững vàng thì khỏe mạnh; tâm trong sạch thì cường tráng. Là một thiền sinh chúng ta chú trọng vào sự khỏe mạnh và cường tráng của tâm chứ không phải của thân. Nhờ vậy ta có thể sử dụng sức mạnh của tâm, chứ không phải là kim tiền, lí trí, khoa học hay Tây dược. Chúng ta tập trung vào sức mạnh của tâm với sự quân bình và trong sạch. Đây là một trung tâm thiền toàn thời gian, mọi người được tự do hành thiền bất kể lúc nào. Nhưng hành thiền luôn không phải là một việc dễ dàng. Để giải quyết vấn đề đó, chúng ta chấp nhận để mọi người kết hợp làm những việc tình nguyện. Càng làm thiện pháp, càng dễ hành thiền. Đó là thực tế. Tôi đang dạy về thực tiến, không dạy về lý thuyết. Nếu không thực hành, bạn sẽ không tài nào hiểu được.🍀"

❤️ - Thiền sư Ottamathara - ❤️

36 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page